Sự kiện La Gi - Hàm Tân tháng tư năm ấy…

Dù có khá nhiều tư liệu lịch sử đề cập đến thời khắc quyết định công cuộc giải phóng vùng đất sau cùng của Bình Thuận ngày nay cũng là phần đất cực Nam Trung bộ. Lúc ấy La Gi là địa bàn “thủ phủ” tỉnh Bình Tuy nên càng về sau này có nhiều căn cứ từ các phía để hình dung phần nào tình thế đầy kịch tính diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở La Gi - Hàm Tân vào những ngày cuối tháng tư năm 1975.

La Gi - Hàm Tân tháng tư năm ấy…:

Diễn biễn lịch sử:

Dù có khá nhiều tư liệu lịch sử đề cập đến thời khắc quyết định công cuộc giải phóng vùng đất sau cùng của Bình Thuận ngày nay cũng là phần đất cực Nam Trung bộ. Lúc ấy La Gi là địa bàn “thủ phủ” tỉnh Bình Tuy nên càng về sau này có nhiều căn cứ từ các phía để hình dung phần nào tình thế đầy kịch tính diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở La Gi - Hàm Tân vào những ngày cuối tháng tư năm 1975.


Khi phòng tuyến lá chắn địch tại Phan Rang - Ninh Thuận bị tan rã ngày 16/4/1975, thì các huyện Tuy Phong, Hòa Đa cho đến tỉnh lỵ Phan Thiết (Bình Thuận) tiếp tục được giải phóng, mở ra lộ trình rút ngắn bước tiến quân của Quân đoàn 2, cánh quân Duyên hải theo quốc lộ 1A thẳng về phía Nam. Trong khi đó giáp với Bình Tuy, Bình Thuận như Bảo Lộc, Định Quán, Đức Trọng, Di Linh, Đường 20 và các quận Hoài Đức, Tánh Linh, Thiện Giáo… lực lượng Miền và Trung đoàn 812 đã làm chủ chiến trường. Cuối tháng 3/1975, Sư đoàn 6 của Quân khu VII của ta khống chế đoạn đường quan trọng của quốc lộ 1A từ Suối Cát (ngã ba Ông Đồn) đến Rừng Lá (giữa Long Khánh - Hàm Tân). Có nghĩa con đường từ các tỉnh Tây nguyên, miền Trung về Sài Gòn đã bế tắc…

Khu trung tâm tỉnh lỵ Bình Tuy, địa bàn La Gi như căng cứng nguy cơ hỗn loạn vì làn sóng người dân và các nhóm tàn binh VNCH với danh nghĩa “di tản chiến thuật” từ miền Trung và Tây nguyên, Đà Lạt dồn xuống, coi cửa biển La Gi là con đường duy nhất để thoát về Vũng Tàu, Sài Gòn… Ghe thuyền của ngư dân được thuê chở dân khắp nơi nườm nượp đổ về bến Long Hải, thuyền nào cũng khẳm đầy người, may mà thời tiết tháng tư khá êm ả. Trên bờ biển Đồi Dương hình thành những dãy lều trại vừa dân vừa lính di tản mong ngóng tàu biển đón đi… Một trạm xá dã chiến dựng lên và cả trăm thùng phuy đã sử dụng của Ty Công chánh để chứa nước ngọt còn hôi mùi hắc ín. Hàng trăm tấn gạo, mì tôm được Sài Gòn chở ra bằng máy bay C130 cứu trợ dân tạm cư cũng sắp cạn. Trong thời gian này, lực lượng địa phương quân, nghĩa quân, cảnh sát được gom hết về tỉnh lỵ để cố thủ gồm 4 tiểu đoàn, 1 đại đội trinh sát… cũng trên 3.000 người và khoảng 2.000 sĩ quan, binh lính của Sư đoàn 2 VNCH từ Chu Lai về La Gi bằng hải vận hạm do chuẩn tướng Trần Văn Nhựt chỉ huy. 1 trung đoàn thuộc Sư đoàn 2 VNCH được tăng cường cùng địa phương quân, nghĩa quân án ngữ ở ngã Ba 46 quốc lộ 1A (Tân Nghĩa) và cầu Láng Gòn thực hiện biện pháp kiểm soát khẩn cấp. Bắt buộc các nhóm quân di tản vào La Gi phải tước bỏ tất cả vũ khí mang theo và xe thông tin lưu động ra rả đọc quân lệnh của tỉnh: “… Ai mang vũ khí, cướp giựt, hiếp dâm, gây náo loạn bị tử hình”. Sau khi Phan Thiết bị mất ngày 19/4, đại tá Trần Bá Thành - Tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Bình Tuy không ngừng liên lạc xin lệnh của Bộ tư lệnh Quân đoàn III (Biên Hòa) nhưng không có tín hiệu nào. Tình thế vô cùng rối rắm trước đám quân rệu rã cùng hơn ba trăm ngàn người dân di tản. Trong lời thú nhận của cựu đại tá Thành sau này khi định cư ở Cali (Mỹ), thật quá bẽ bàng vì cứ nghĩ rằng tuyến phòng thủ của Sư đoàn 18BB ở Long Khánh sẽ trụ được và điều này cũng liên quan đến sự tồn tại của tiểu khu Bình Tuy. Nhưng đến khi không còn kiên nhẫn nữa đại tá Thành điện thoại với thiếu tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh Sư đoàn 18BB vì có mối thân tình khi ông Thành là trung đoàn trưởng 48BB dưới quyền tướng Đảo, đó là đêm 21/4. Tướng Đảo mới tiết lộ, lực lượng phòng thủ đã tổn thất nặng nề buộc phải âm thầm triệt thoái khỏi Xuân Lộc từ đêm 20/4 rồi, khuyên đại tá Thành hãy liệu tính! Thế là đại tá Thành nhận ra số phận của một tỉnh bị bỏ rơi và lập tức vừa củng cố các đơn vị để tránh hỗn loạn, cướp phá vừa lên kế hoạch rút chạy nhưng không ngờ lực lượng quân giải phóng đã áp sát các hướng quá nhanh. Lúc này, lực lượng Sư đoàn 2 BB của tướng Nhựt, cùng các khóa sinh sĩ quan, hạ sĩ quan của các trung tâm huấn luyện Đà Lạt, Đồng Đế được Dương vận hàm đón về Vũng Tàu. Đến chập tối 22/4 Bộ chỉ huy Tiểu khu Bình Tuy phải tự định đoạt kế hoạch di tản bằng đường biển có tàu há mồm LCM dễ cặp bờ, đón ra Dương vận hạm lớn còn lởn vởn ngoài xa, nhưng không kịp nữa. Xe tăng T54 của lực lượng Quân đoàn 2 đã thọc thẳng tới cửa biển La Gi bắn trúng đài chỉ huy, hạm trưởng chết… Lập tức chuyển phương án theo đường bộ, chỉ một bộ phận nhỏ cùng đại tá Thành băng rừng đào thoát, mãi đến sáng ngày 24/4 mới đến Bình Châu, Xuyên Mộc…

Thiếu tướng Phạm Hoài Chương (nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Bình Thuận) trong tập hồi ký “Đường chiến đấu” - Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh 2003, ghi lại thời điểm này. Khi lực lượng Quân đoàn 2/ cánh quân Duyên hải cùng phối hợp lữ đoàn 52/QK5 và Trung đoàn 812/QK6 đã giải phóng Bình Thuận, theo quốc lộ 1A đang tiến về Nam thì có chỉ đạo của Khu ủy khu 6. Tướng Chương cùng Bộ Chỉ huy giải phóng Bình Thuận, Bình Tuy tìm đến Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đang tập kết tại Suối Cát (ngã ba Ông Đồn) gặp trung tướng Lê Trọng Tấn (trung tướng QĐNDVN tư lệnh cánh quân phía Đông) và trung tướng Lê Quang Hòa với đề nghị hỗ trợ giải phóng tỉnh Bình Tuy. Thực ra tỉnh Bình Tuy chỉ còn quận Hàm Tân, vì các quận Hoài Đức, Tánh Linh đã được giải phóng trước đó. Theo tướng Phạm Hoài Chương, tướng Tấn hỏi vui: “Các đồng chí muốn giải phóng trước chứ không đợi Sài Gòn à? Ta đang đánh Xuân Lộc và sắp đánh Bà Rịa - Vũng Tàu. Xong các nơi đó thì các đồng chí “bất chiến tự nhiên thành” thôi mà!”. Nhưng ngay sau đó tướng Tấn lệnh cho tướng Nguyễn Hữu An tư lệnh Quân đoàn 2 tăng cường vài lực lượng chi viện cho khu 6 để giải phóng Hàm Tân - La Gi. Thế là 1 trung đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo 130 ly và 1 đại đội xe tăng T54 quay lại, tiến theo đường tỉnh lộ 2 từ ngã ba 46 (Tân Nghĩa) thẳng xuống La Gi. Theo hồi ký trung tướng Lê Quang Hòa (Những chặng đường chống Mỹ - Nhà xuất bản QĐND) ghi lại lúc nhận được lệnh BCH chiến dịch từ R, chuẩn bị bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ cánh quân hướng Đông đặt dưới quyền chỉ huy của tướng Lê Trọng Tấn và cũng là phó tư lệnh BCH chiến dịch, tướng Lê Quang Hòa phó chính ủy BCH chiến dịch. Cùng lúc này có sự phối hợp của Đại đội 88, Trung đoàn 812, lực lượng vũ trang tỉnh và các đội công tác địa phương dồn địch co cụm vào trung tâm tỉnh lỵ. Tướng Hòa viết: “19 giờ ngày 22 pháo binh ta bắn vào các mục tiêu sân bay, bến cảng, tòa hành chánh và các vị trí quan trọng tại thị xã. Sau 20 phút, pháo ngừng bắn, xe tăng và bộ binh cơ giới chia thành 2 mũi ồ ạt xông lên đánh thẳng vào trung tâm thị xã, chiếm sân bay, tòa hành chính, phát triển xuống bến cảng. Bị đánh bất ngờ và mãnh liệt, địch tan rã nhanh chóng”.

Với sức tiến công thần tốc của lực lượng giải phóng trong những ngày tháng tư lịch sử, Bình Tuy là tỉnh cuối của Nam Trung bộ được giải phóng ngày 23/4/1975.

Tài liệu tham khảo:

Tranh luật nhân quả trong cuộc sống

tranh_nhan_qua_11

Tranh luật nhân quả trong cuộc sống

tranh_nhan_qua_9

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.
-->