Bùi Xương Trạch sinh năm bao nhiêu?

Thông tin về năm sinh và cuộc đời của Bùi Xương Trạch

Trả lời:

Bùi Xương Trạch sinh năm 1451.

Thân thế và sự nghiệp của Bùi Xương Trạch:

Là quan nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam. Bùi Xương Trạch là ông tổ thứ ba của họ Bùi được ghi trong gia phả. Tổ tiên ông trước kia vốn ở xã Quảng Công, thôn Hạ (nay là thôn Định Công Hạ), đến đời cha ông mới dời ra ở thôn Giáp Nhị, xã Thịnh Liệt. Ông này vốn nghề nông nhưng thích đọc sách, và có 2 vợ, mỗi vợ được một con trai. Con trai cả là Bùi Xương Trạch sau này là tổ đầu tiên của chi Giáp, con trai thứ hai (khuyết tên) sinh năm 1464 mất năm 1552 thọ 87 tuổi, đỗ hương tiến (tức cử nhân) năm 1492, làm đến chức Giám bạ Quốc tử giám nên thường gọi là cụ Giám Bạ. Ông này là thuỷ tổ của chi Ất, một chi không nhiều người đỗ đạt cao bằng chi Giáp nhưng có nhiều người tuổi thọ và vẫn giữ được nền nếp văn học.


Bùi Xương Trạch vốn tên húy là Chạch (gia phả ghi chữ Nôm gồm chữ Ngư là cá, ghép với chữ Trạch là nhà).

Ông có tên chữ là Xương Trạch, sinh năm Tân Mùi niên hiệu Thái Hòa thời Lê Nhân Tông thứ 9, tức 1451. Từ thủa nhỏ ông đã tỏ ra rất ham học. Nhà vốn nghề nông, ông tiếp tục theo việc làm ruộng. Ban ngày ông mang sách đi theo, dù trong lúc cày bừa cũng vẫn vừa làm vừa học. Ban đêm nhà nghèo không đủ tiền dầu đèn, ông bắt đom đóm cho vào túi vải thưa lấy ánh sáng đọc sách, lúc nào mệt quá ông nằm nghỉ tạm trên hai chiếc chày để đau mình thì tránh buồn ngủ, mà có ngủ thiếp đi thì cũng không được say vì nếu cựa mình thì chày lăn chuyển và đánh thức dậy. Vì là dân “chân trắng” nên ông phải thường kỳ cắt cỏ gánh lên kinh thành để nuôi ngựa trong cung điện. Có một lần, đúng vào đêm rằm tháng tám mà có nguyệt thực, vua truyền cho các quan coi việc văn từ làm thơ vịnh. Ông biết chuyện bèn làm bài thơ quốc âm dâng lên. Vua đọc tỏ ý tán thưởng bèn cho triệu đến ban lời khen ngợi, hỏi rõ họ tên quê quán và truyền cho miễn mọi lao dịch để có thể chuyên chú học hành.

Gia phả đã chép chuyện này, và cháu 7 đời của ông là Bùi Huy Bích khi soạn lại tiểu sử của ông đã ghi thêm rằng chiểu theo quốc sử thì năm Hồng Đức thứ 7 (1476) ngày 16 tháng 8 âm lịch, vào đầu canh năm có nguyệt thực toàn phần “chắc việc làm thơ vào năm đó” (Toàn thư - bản dịch, tập 3, 1968).

Năm sau (1477) ông 27 tuổi, đi thi Hương đỗ tứ trường. Và năm sau nữa (1478) ông thi Hội lần đầu tiên, đỗ ngay tiến sĩ. Khoa này có 62 người đỗ trong đó có 50 người trong danh sách tam giáp đồng tiến sĩ, ông đứng thứ 15. Tuy số người trúng tuyển như vậy là khá nhiều, nhưng cả huyện Thanh Trì (hồi đó tên là Thanh Đàm) khoa ấy chỉ được có mình ông. Vì làng ông ở ngay sát kinh đô nên tin những vị tân khoa truyền lan rất nhanh, chẳng mấy chốc khắp vùng đều biết rằng toàn huyện chỉ có xã Thanh Liệt là có ông nghè mới. Từ tháng 3 âm lịch mùa xuân năm đó ông thi Hội đã trúng cách, đến tháng 5 mới vào thi Đình, nhưng thời gian này ông vẫn không rời việc canh nông. Khi tin đỗ về đến làng, ông đang đi cày, có người đến báo, ông vẫn chăm chỉ cày cho xong thủa ruộng rồi mới về nhà.

Lúc này ông 28 tuổi, so với các tiến sĩ nói chung như vậy là còn rất trẻ, nhưng đây là khoa đầu tiên ông đi thi mà đã đăng đệ liền. Rất có thể ông đỗ ngay từ mấy khoá trước nếu ông đi thi sớm hơn. Gia phả ghi chép rằng ông độ 10 tuổi thì mẹ ông mất. Thân sinh ông sau đó ít năm thì lấy kế một bà khác, rồi năm 1464 sinh con trai thứ hai, kém ông 13 tuổi. Cảnh nhà túng thiếu, ông muốn bảo đảm việc sinh sống trong gia đình nên không nghĩ đến chuyện đi thi quá sớm, vì hồi đó dân làng thưa thớt, họ hàng đều nghèo túng, việc nộp quyển sắm sửa lều chõng đi thi đòi hỏi những tốn phí khá lớn và không tránh được. Như vậy việc thi chậm chỉ là do ý muốn giúp đỡ gia đình trước tiên. Chung quanh làng nước biết chuyện đều khen ông là hiếu hữu.

Sau khi đỗ, ông được bổ vào toà Hàn lâm, sau đó có lần theo vua đi dẹp giặc ở biên thuỳ, gia phả cũ và Lịch triều hiến chương loại chí chép rằng ông theo Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, nhưng Bùi Huy Bích khi soạn lại gia phả họ mình đã ghi chú rằng: “Chép đi đánh Chiêm Thành như vậy e rằng không hoàn toàn đúng, thời gian này chỉ có việc Lê Thánh Tông đem quân đi đánh Bồn Man (Ai Lao) ở phía tây (1479)”. Năm 1489 ông được sung vào đoàn sứ bộ sang cống nhà Minh, có Nguyễn Khắc Cung (đỗ tiến sĩ 1469) làm chánh sứ.

Năm 1491 khoảng tháng 11, vua sai dựng ngôi đình ở ngoài cửa Đại Hưng, tức cửa Nam hoàng thành để treo những pháp lệnh công bố cho dân biết, sau đó vua trao cho Bùi Xương Trạch việc làm bài ký ghi lại việc xây dựng và nói lên ý nghĩa của công trình này. Bài ký nổi tiếng được chép lại trong nhiều tập văn tuyển cũ, coi như một tác phẩm tiêu biểu của nền văn học thời thịnh trị triều Lê.

Lê Thánh Tông mất năm 1497, thái tử Chanh lên ngôi vua, tức là Lê Hiến Tông. Bùi Xương Trạch được thăng từ Đông các hiệu thư (hàm chánh lục) lên Đông các học sĩ (hàm tòng ngũ). Năm Nhâm Tuất (1502), ông được cử làm giám thị khoa thi Hội, sau đó, do đức tính cẩn trọng trung thực, ông được lên chức Thiên đô ngự sử ở Ngự sử đài (hàm chánh ngũ).

Trong bài biểu tạ ơn còn được chép trong Lịch triều hiến chương có câu “chưa đến 6 tuần đã lên thất quý” (thất quý chỉ những người giữ chức vụ quan trọng trong triều) chứng tỏ rằng ông được thăng chức này trước năm 1510.

Lần lượt ông được trao nhiều chức vụ trọng yếu. Trước khi về hưu cùng một lúc ông kiêm nhiều chức lớn trong triều: Thượng thư bộ Binh, Chưởng lục bộ (có ý nghĩa là trông nom cả 6 bộ khác, tức gần như Tể tướng), Đô ngự sử (coi việc đàn hặc những chuyện sai trái trong triều), Tri kinh diên sự (đảm nhiệm việc giảng sách cho vua nghe và trình bày những điều hay dở), Tế tửu Quốc tử giám (đứng đầu trường học cao nhất trong nước, và đang ở thời kỳ phát triển khá mạnh dưới triều Lê Thánh Tông). Ông còn được phong tước Quảng Văn hầu. Tước hiệu này ghi lại tài văn học quảng bác của ông, và cũng có thể ghi lại cả vinh dự ông đã được vua trao cho viết bài ký đình Quảng Văn.

Trong thời gian cuối đời làm quan của ông, triều Lê trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc với những tên vua xa xỉ, dâm lạc như Uy Mục (1505 - 1509) và Tương Dực (1510 - 1516). Bùi Xương Trạch lấy cớ đau mắt cố xin về hưu vào năm Canh Thìn (1520) niên hiệu Quang Thiệu triều Lê Chiêu Tông. Ông mất ở nhà ngày 3 tháng 11 năm Kỷ Sửu (1529) thọ 79 tuổi, mai táng ở gò trong thôn, xứ Kim Lộc.

Bên cạnh sự nghiệp văn học, Bùi Xương Trạch còn được mọi người mến phục vì đức độ lớn của ông, như Phan Huy Chú từng nhận định “khiêm nhường, giữ gìn thanh liêm kiệm ước, không mảy may mưu tính việc riêng tư, bổng lộc đều đem chia cho họ hàng làng mạc, lòng nhân huệ. Đức vọng lớn của ông khiến người đương thời đều suy tôn kính phục”.

Làng Thịnh Liệt quê ông ở bên cạnh đầm lớn, nổi tiếng về sản vật cá rô, phải chịu thuế nặng nề. Bọn nha lại còn nhân đó mà hạch sách vơ vét, dân chúng có người phải bán cả nhà cửa. Ông bèn xin vua khoanh đất đắp bờ làm khu vực trao cho ông để thay thế bằng lương bổng, và như vậy thì được miễn đóng thuế. Sau đó hoa lợi đánh cá ông bèn trao cả cho người làng.

Bùi Xương Trạch lấy bà vợ họ Đào người thôn Khúc Thủy huyện Thanh Oai, sinh được hai trai một gái. Con cả là Bùi Trụ chân nho sinh trúng thức (tức đỗ hương tiến mà là con cháu đại thần), làm Tán lý dưới triều Mạc, sau theo Lê Bá Ly vào quy thuận nhà Lê ở Thanh Hóa và mất tại đó, được phong tặng Thái phó Kính Quận công. Con thứ là Bùi Vịnh đỗ bảng nhãn khoa Nhâm Thìn niên hiệu Đại Chính nhà Mạc (1532) lúc 25 tuổi làm Tả thị lang tước Mai Lĩnh hầu. Con gái ông lấy vua Lê Hiến Tông thường gọi là Mai phi. Cháu nội ông tức con trai Bùi Vịnh là Bùi Bỉnh Uyên đi theo Bùi Trụ vào Thanh Hóa phò Lê, đón vua Lê về Đông Đô, làm đến Thượng thư bộ Binh. Con cháu thành đạt ngay từ lúc sinh thời của Bùi Xương Trạch mà tiếp diễn mãi sau này. Đây là niềm tự hào và cũng là nền tảng của sự thành đạt tiếp nối lâu đời của một dòng họ, xứng đáng với danh hiệu một vọng tộc đất Sơn Nam.

Tài liệu tham khảo:

Xem thêm chi tiết về Bùi Xương Trạch:

Bùi Xương Trạch (1451 - 1529)

  • 9 thg 9, 2014
  • 109

Là quan nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam. Bùi Xương Trạch là ông tổ thứ ba của họ Bùi được ghi trong gia phả. Tổ tiên ông trước kia vốn ở xã Quảng Công, thôn Hạ (nay là thôn Định Công Hạ), đến đời cha ông mới dời ra ở thôn Giáp Nhị, xã Thịnh Liệt. Ông này vốn nghề nông nhưng thích đọc sách, và có 2 vợ, mỗi vợ được một con trai. Con trai cả là Bùi Xương Trạch sau này là tổ đầu tiên của chi Giáp, con trai thứ hai (khuyết tên) sinh năm 1464 mất năm 1552 thọ 87 tuổi, đỗ hương tiến (tức cử nhân) năm 1492, làm đến chức Giám bạ Quốc tử giám nên thường gọi là cụ Giám Bạ. Ông này là thuỷ tổ của chi Ất, một chi không nhiều người đỗ đạt cao bằng chi Giáp nhưng có nhiều người tuổi thọ và vẫn giữ được nền nếp văn học.

Tranh luật nhân quả trong cuộc sống

tranh_nhan_qua_10

Tranh luật nhân quả trong cuộc sống

tranh_nhan_qua_5

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.
-->